Mỹ thay đổi cách diệt muỗi để đối phó Zika

Theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần áp dụng chiến lược “tiếp cận 4 chiều” nhằm ngăn chặn sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt côn trùng. Ảnh minh họa: APNhân viên y tế phun thuốc diệt côn trùng. Ảnh minh họa: AP

Theo số liệu trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính tới ngày 30/3, 312 trường hợp nhiễm virus Zika ở Mỹ sau khi đi du lịch tới các nước có dịch. Trong số đó, 27 bệnh nhân là phụ nữ mang thai, 6 trường hợp nhiễm bệnh qua đường tình dục và một người mắc hội chứng thần kinh nguy hiểm Gullain-Barre.

Tại các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, 352 trường hợp nhiễm virus Zika, với 3 bệnh nhân nhiễm bệnh sau khi đi du lịch và 349 người khác nhiễm bệnh tại địa phương.

Kiểm soát lẻ tẻ

Tiến sĩ Lyle Petersen, giám đốc Bộ phận Vector-truyền thuộc CDC, cho hay, các cơ quan kiểm soát muỗi ở khu vực hoạt động nhỏ lẻ, phân tán và thường nhận sự phối hợp và tài trợ chi phí từ chính quyền địa phương. Thậm chí tại nhiều khu vực, hoạt động này không có sự phối hợp với cơ sở y tế địa phương, theo Reuters.

Đa số chương trình được tài trợ để giảm số lượng muỗi lại dành kinh phí cho việc kiểm soát những loại muỗi gây phiền toái cho người dân, hơn là khống chế loại muỗi mang nguồn lây bệnh.

Hệ thống giám sát ở hầu hết các bang và thành phố đang tập trung vào loại muỗi cắn vào ban đêm, sinh sản trong các vật dụng chứa nước cỡ lớn, và không thể phát hiện loại muỗi vằn Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) thường trú ngụ ở các chậu hoa, lốp xe, thùng rác và các hồ nước nhỏ. Không giống nhiều loại muỗi khác, trứng của muỗi vằn Aedes có thể khô và bám vào bề mặt xe chở hàng và sản sinh khi trời đổ mưa.

My thay doi cach diet muoi de doi pho Zika hinh anh 1
Khu vực được báo cáo có trường hợp nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch (xanh nhạt) và những vùng có bệnh nhân nhiễm virus tại địa phương (đậm). Đồ họa: CDC

Trong khi đó, nhiều quan chức bày tỏ lo ngại về chi phí cho việc đối phó với virus Zika. Theo ông Daniel Kass, Phó ủy viên về sức khỏe môi trường New York, thành phố có số lượng lớn người du lịch và từng đối diện với dịch sốt vàng da được dự đoán sẽ phải chi từ 5 tới 6 triệu USD cho việc chuẩn bị đối phó với virus Zika.

Loại muỗi vằn Aedes aegypti không phổ biến ở New York nhưng thành phố này là “nhà” chứa muỗi Aedes albopictus – một loại muỗi khác cũng có khả năng truyền virus Zika.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama yêu cầu Quốc hội chi khoảng 1,9 tỷ USD trong quỹ khẩn cấp để đối phó với virus Zika nhưng vấp phải sự phản đối từ thành viên đảng Cộng hòa. Thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ nên sử dụng 3 tỷ USD trong quỹ còn lại từ chiến dịch chống dịch Ebola trước khi chi nhiều hơn cho cuộc chiến chống virus Zika.

Tiếp cận 4 chiều

Zika liên quan tới hàng nghìn trường hợp nghi mắc dị tật đầu nhỏ ở Brazil. Virus này đã lây lan nhanh chóng sang Puerto Rico, vùng lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ. Puerto Rico sẽ là khu vực thuộc Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh nguy hiểm này. Tại Puerto Rico, trọng tâm của chiến dịch chống Zika hiện nay là bảo vệ phụ nữ mang thai trước các loại muỗi mang theo virus này.

Zika được dự báo lan sang các bang miền Nam nước Mỹ ngay khi nhiệt độ tăng cao vào mùa xuân và hè. Do đó, theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần thực hiện chiến lược mới chống các loại muỗi khác nhau nhằm đối phó sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Theo CDC, các loài muỗi gây phát tán virus Zika bằng cách đốt người sống trong và xung quanh nơi ở, khiến chiến dịch phun thuốc diệt côn trùng vào ban đêm trở nên vô hiệu.


“Ít nhất chúng ta có thể giảm thiểu và kiểm soát đáng kể dịch bệnh”, ông Frieden phát biểu tại “Hội nghị Kế hoạch Hành động chống virus Zika” tại trụ sở của CDC ngày 1/4.
Tiến sĩ Thomas Frieden, giám đốc CDC, cho hay các cơ sở y tế cần phải có “cách tiếp cận 4 chiều”, tập trung vào loại muỗi vằn Aedes trong nhà và ngoài trời cũng như tiêu diệt ấu trùng và côn trùng trưởng thành.

Đa số loại muỗi hoạt động vào lúc hoàng hôn hầu như không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, muỗi vằn Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và hút máu nhiều người cùng lúc.

Theo ông Frieden, muỗi Aedes aegypti được gọi là “gián muỗi” vì rất khó giết. “Thật không may, tại một số khu vực ở Mỹ, loại muỗi này thường kháng thuốc diệt côn trùng”, ông Frieden nói nhưng nhấn mạnh, nhân viên y tế vẫn có thể dùng loại thuốc này để diệt muỗi.

Virus Zika được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1947 tại rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus thường bị sốt, đau mắt, đau đầu, đau khớp, đôi khi buồn nôn và đau dạ dày. Virus Zika được cho là lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tháng 1, nó bắt đầu lây lan nhanh ở Brazil, và các nước khác tại Nam Mỹ và Bắc Mỹ sau đó là nhiều nước ở châu Âu lẫn châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 2 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khi Zika lây lan nhanh chóng ở châu Mỹ. Virus này liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng thần kinh nguy hiểm Guillain-Barre.

Theo WHO, đến nay đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào… đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika. Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam.

Bạn cũng có thể thích